Mình cũng hơi thấy là lạ khi nhìn tên tác giả, vì từ trước tới lúc đó, mình chỉ nghe về sách luyện thi English trên thị trường VN thì đa số là của thầy VĨNH BÁ, còn thầy LÊ ĐÌNH BÌ thì mình chưa nghe bao giờ. Tò mò giở vài trang, phải nói là ấn tượng từ chất lượng giấy sáng, đẹp, mịn, + nội dung bố trí logic, cụ thể dễ hiểu, và hơn hết, sau khi đọc qua vài trang, mình đã thấy có cảm tình với "vị tác giả" này, cách hành văn, dùng từ ngữ của thầy rất gần gũi, có nét gì đó thật khó tả, nhưng có thể diễn tả bằng vài từ như chân thực, từng trải và đầy tâm huyết... mặc dù chỉ là quyển sách viết cho đa số học sinh nhưng lời lẽ của thầy sao thật chân tình... có lẽ ai đọc cũng cảm giác như sách này để viết cho riêng cá nhân mình vậy....hì....cứ như là mình dã từng được trực tiếp học thầy vậy....
Và phải công nhận quyển sách này đã giúp mình rất nhiều trên con đường chinh phục cái trước kia mình từng coi là kẻ thùi không đội trời chung, hic. Và đêm hôm nay (16/6/2011), vừa hết sinh viên năm nhất và cũng đang chật vật bổ sung thêm kiến thức cho không bị tụt hậu sau vài tháng nghỉ hè, mình chợt nhớ ra quyển sách của thầy sau khi đã cất vô trong tủ sách, vì thi DH xong rùi mà :-s Mình lại tò mò tiếp, thế là lên Google tìm kiếm với từ khóa về thầy "LÊ ĐÌNH BÌ" và ô la, mình tìm được bài viết này, đọc xong mình càng cảm phục thầy, với nhiều nghề như vậy, nhiều sóng gió gian truân như thế, nếu không có 1 tâm hồn thật tuyệt vời như vậy (bạn sẽ được đọc trong bài viết dưới đây), thì mình tin, mình cũng như bao học sinh khác sẽ không được cầm trên tay những quyển sách tuyệt vời đúc kết từ bao mồ hôi công sức của 1 người vĩ đại như thầy.....
P/S: Khi viết bài này thì mình vẫn chwua mua được cuốn TỪ ĐIỂN CÁCH DÙNG TIẾNG ANH của thầy :(( Thị trường HP thật là ba chấm....hi vọng sẽ sớm tìm và mua được :-s
Nguồn: http://www.moingay1cuonsach.com.vn
Lê Đình Bì, M.A | ||
(Lê Đình Bì (phải) và công trình kỷ lục của anh, cuốn "Từ điển cách dùng tiếng Anh".) Cử nhân Anh văn Cử nhân Luật Cử nhân Báo chí Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Từng là Phó Chủ nhiệm CLB Văn học, Hội Văn nghệ thành phố Cần Thơ, nguyên Trưởng ban Tiếng Anh, Thư ký Toà soạn Báo Thanh Niên. Một nhà báo với công trình kỷ lục Từng trải qua nhiều nghề: thợ mộc, sửa chữa buôn bán đồng hồ, dạy học, làm báo và cả những nghề... không thể gọi thành tên, nhân dịp 21/6 nhà báo Lê Đình Bì, người còn được biết tới với bút danh Tường Minh đã cho ra mắt cuốn Từ điển cách dùng tiếng Anh, một công trình anh đã tâm huyết hơn 10 năm. Có thể nói đây là lần đầu tiên một người Việt biên soạn từ điển cách dùng tiếng Anh Quãng đời trúc trắc Lê Đình Bì sinh tại Vĩnh Linh nhưng lớn lên ở Thành Cổ, Quảng Trị. Từng là học sinh trường Trung học Nguyễn Hoàng, một ngôi trường trứ danh thời bấy giờ vì có rất nhiều trò giỏi (trường tồn tại 24 năm 1951-1975 _ NV). Một năm sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, anh bị động viên đi lính Cộng hòa. Ra trường, anh chọn điểm đến là Cần Thơ. Trong thời gian làm tiếp vận tại ở đây, anh đã vào học ĐH Luật Cần Thơ, đồng thời học Văn chương. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh trở về với gia đình sau 30 tháng học tập, cải tạo. Bỏ lại đằng sau bao khát vọng của tuổi trẻ và cả một mối tình dang dở. Quãng tiếp theo của cuộc đời anh là những phấn đấu không mệt mỏi để khẳng định mình trong một xã hội mới. Trước đó, để tránh cái nóng bỏng của "mùa hè đỏ lửa" 1972 ở Thành Cổ Quảng Trị, gia đình anh đã chuyển vào Ban Mê Thuột. Ở miền đất của núi rừng và gỗ này, Lê Đình Bì bắt đầu hòa nhập với cuộc sống mới bằng nghề thợ mộc. Với tính dễ hòa đồng và ý chí "không tự hòa nhập thì sẽ tự cô lập mình" anh nhanh chóng nhập cuộc với vai trò của một người thợ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh được đại hội xã viên bầu làm kế toán trưởng hợp tác xã. Với một quá khứ như vậy, anh không dễ được "trên" chấp nhận. Ông bí thư phường đã phải đích thân lên "vận động" cho anh. Đang là thư sinh ăn trắng mặc trơn, phải đi cải tạo rồi về làm thợ mộc, anh có mặc cảm nhiều không? Không. Tôi là người lạc quan, dễ hòa nhập. Thứ nhất, tôi xác định cái gì người ta làm được thì mình cũng làm được. Thứ hai, tôi cũng muốn chứng tỏ cho người ta biết rằng mình có thể làm được hết mọi thứ mà không cảm thấy cực khổ gì vì biết có rất nhiều người có hoàn cảnh như mình. Nếu không phấn đấu để sống cho tốt hơn thì tự mình sẽ bị đào thải khỏi cuộc chơi. Thậm chí, còn muốn ở lại làm thợ hơn làm kế toán vì khi đó đã có thể tự tay đóng được bàn ghế, tủ, thậm chí một mình tôi đóng được cho em gái, khi đó là sinh viên sư phạm, 1 cái tủ "mẹ bồng con". Được như vậy, có lẽ do từ nhỏ tôi đã được đọc cuốn "Những tâm hồn cao thượng" và có những ảnh hưởng sâu sắc nên làm việc gì có ích là cảm thấy hết sức nhẹ nhõm". Năm 1981, anh kết hôn. Tình yêu của cô gái miền "gạo trắng nước trong" đã chắp cánh cho anh có đủ điều kiện trở lại Cần Thơ, lãnh địa mà anh có thể "tung hoành". Ở đó, anh mới có điều kiện để tiếp tục những gì còn dang dở. Anh lại bắt đầu với một công việc mới: dạy học ở trường bổ túc văn hóa ban đêm dành cho người lớn. Giữa những năm được coi là "đêm trước đổi mới" anh phải lăn lộn kiếm sống nuôi gia đình. Ngoài công việc dạy học ban đêm, anh chạy sô dạy thêm ngoại ngữ (tiếng Anh), dịch bài cộng tác với các báo vào ban ngày. Nhưng, nguồn thu nhập chính của gia đình anh lại đến từ một quầy mua bán, sửa chữa đồng hồ trên bến Ninh Kiều. Mặc dù việc buôn bán nuôi sống cả gia đình, thậm chí giúp anh "bao" luôn cả đám bạn bè mỗi lần hội ngộ. Vậy mà anh không hề cảm thấy thoải mái, thậm chí đôi khi còn khổ sở. "Tôi cảm thấy việc bán hàng như là nói dối ăn tiền. Cầm đồng tiền mình kiếm được mà cứ có cảm giác như không "sạch". Nhắc lại giai đoạn này, nhà văn Dạ Ngân, một trong những người bạn thuở hàn vi của anh, rưng rưng: Thương nhất là hình ảnh anh Bì đứng bán đồng hồ... Cho đến khi về công tác tại Báo Thanh Niên, anh mới chia tay được với công việc này. So với đám bạn văn chương của mình thời ấy, anh là người kiếm được hơn cả nhưng "đa nghệ" mà không "tinh", khiến anh cảm thấy cuộc sống bấp bênh. Có lẽ, với anh, nguồn động viên lớn lao nhất khiến anh luôn vươn lên phía trước là sự hấp dẫn của kiến thức. Kiếm được bao nhiêu anh không tiếc tiền bỏ ra học thêm. Anh học cả trong khi làm và không quản ngại khó khăn. Ngay cả khi sang Úc chơi với người em ruột, ngoài những khi kiếm việc làm "chui" như bồi bàn, ủi quần áo... đứng nhiều, chân sưng to, tối về ngủ phải treo chân lên cao nhưng anh vẫn nỗ lực học tiếng Anh, đọc và dịch sách báo để bổ sung kiến thức. "Nhảy" vào nghề báo vì muốn... cải tiến Chính sự học hỏi và tìm tòi không ngừng nghỉ thôi thúc anh đọc nhiều loại sách báo cả trong và ngoài nước. Anh chợt giật mình nhận thấy nội dung các tờ báo của mình lúc đó sao mà nghèo nàn quá. Thậm chí, đọc báo cũ nước ngoài đã ra vài tháng vẫn thấy nhiều thông tin mới hơn cả báo mới của mình, nhất là những thông tin liên quan đến khoa học kỹ thuật, lĩnh vực mà anh quan tâm. Trừ tin thời sự, những thông tin quốc tế khác đều chậm và bị xào đi xào lại một cách quá đáng. Mình phải làm cái gì đó thôi - Anh nghĩ vậy rồi lấy vài bài báo cũ dịch và thử gửi đi. Họ đăng thật. Anh còn nhớ như in bản dịch hai bài báo của mình được gửi tới tờ Thanh Niên bán nguyệt san, một bài về chống hút thuốc lá tại Úc, một bài viết về một người chuyên thi hành án tử hình. Những bài báo được anh trau chuốt từng câu chữ nên được đăng nguyên xi là sự cổ vũ lớn lao cho anh chàng bán đồng hồ tỉnh lẻ lúc đó. "Vô lý thật, bài của họ đã 10 ngày rồi, mình dịch, đánh máy rồi gửi đi, cho tới khi báo ra mất mươi ngày, vài chục ngày nữa. Vậy mà vẫn được đăng". Anh bắt đầu nghĩ cách cải tiến bằng cách lấy thông tin mới hơn. Thay vì sử dụng báo đã qua 7-10 ngày thì anh "săn" những tờ mới hơn, cách 1-2 ngày. Hồi đầu, cứ thấy báo nước ngoài là anh xách về hàng đống, đủ các loại, mới có cũ có, rồi mới lựa ra. Sau, để tìm được những số báo mới nhất có thể, anh dò hỏi được một sạp chuyên bán báo gom từ phi trường về. Từ đó, mỗi chuyến lên Sài Gòn lấy đồng hồ về bán, anh lại dành một khoảng thời gian không nhỏ cho việc lựa báo. Từ đó, khách hàng ra vào cửa hiệu đồng hồ của anh thường xuyên thấy ông chủ cặm cụi lạch tạch cái máy chữ. Xác định mình ở xa trung tâm báo chí, không thể chạy theo các vấn đề thời sự, anh chủ yếu chọn mảng khoa học kỹ thuật rồi từ đó mở rộng ra các lĩnh vực khác. Anh theo dõi đài báo thường xuyên, bất cứ một vấn đề gì đáng quan tâm mà đài báo chưa đăng là anh tức tốc dịch rồi gửi đi. Gửi 10 bài "búa xua" cho các báo thì được đăng tới 8-9 bài. Lê Đình Bì tự tin bước chân vào làng báo với một nỗ lực âm thầm nhưng mãnh liệt: làm cho báo mới càng mới hơn. Năm 1995, anh về làm việc tại báo Thanh Niên. Khi đó, theo anh thì, những thuật ngữ về bang giao quốc tế, thời sự quốc tế anh đã nắm nhuần nhuyễn nhờ thời gian ở Úc tham gia làm mảng tin quốc tế cho một tờ báo Việt ngữ, được tiếp xúc nhanh nhất với những tờ báo tiếng tăm như Sydney Morning Herald, Telegraph-Mirror... Nhà báo làm từ điển Tên của anh xuất hiện thường xuyên trên các báo cũng là lúc được các nhà xuất bản bắt đầu chú ý. Cuốn sách đầu tiên anh được đặt hàng là cuốn "Thành ngữ tiếng Anh" (NXB Mũi Cà Mau) được chào đón nồng nhiệt, rồi một số sách nhỏ phục vụ đối tượng học sinh, sinh viên tiếp tục ra đời. Nhưng làm sách kiểu "mì ăn liền", chủ yếu là dịch đó khiến anh không "khoái". Cuốn mà anh vẫn tâm đắc, luôn nói về nó một cách hào hứng và âu yếm là "Phương pháp dịch báo chí tiếng Anh" (Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM), ra đời đúng dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm 1999. Ngày đó, anh Phó ban Quốc tế báo Thanh niên, phải bao lần xuýt xoa tiếc rẻ cho công sức của nhiều cộng tác viên khi họ gửi bài cộng tác mà không thể dùng được. Anh chăm chú ghi lại những lỗi mà người dịch báo chí hay mắc phải, và bằng tất cả những kinh nghiệm dịch báo chí của mình đúc kết lại. Đó là, dịch báo chí không phải lúc nào cũng anh bê nguyên xi từ A sang B mà nhấn mạnh đến phương pháp lược dịch, có nghĩa là đọc hết tài liệu, sau đó viết ra theo cảm nhận của mình. Lê Đình bì gọi đó là tổng hợp và lược dịch, một phương pháp được hầu hết các nhà báo viết cho các báo ngày sử dụng. Bây giờ cuốn sách đã là cẩm nang của rất nhiều biên dịch viên, thậm chí còn được đưa vào giáo trình dạy cho sinh viên một số trường báo chí. Tiếp sau đó, cuốn "Từ điển cách dùng tiếng Anh" được hình thành. Những cuốn sổ tay của anh lại dày đặc chi chít. Những thùng sách tham khảo được người anh trai là luật sư từ Mỹ gửi về. Rồi kinh nghiệm soạn từ điển của người em từ Úc, người đã có 2 cuốn Từ điển Luật pháp Anh Việt, Việt Anh và Từ điển phân giải Chính trị và bang giao quốc tế... Nhưng phải đến khi sang Mỹ làm nghiên cứu sinh, anh mới có thời gian hệ thống và biên soạn. Hơn 10 năm và gần 1000 trang, không chỉ tiếng Anh, phần nội dung tiếng Việt trong cuốn "Từ điển cách dùng tiếng Anh" cũng được anh đặc biệt chú ý. Anh cẩn thận từ từng dấu chấm, dấu phẩy. "Cách hành văn giản dị và trong sáng trong cuốn "Những tâm hồn cao thượng" do Hà Mai Anh dịch đã cho tôi ấn tượng rất sâu sắc. Làm cuốn từ điển này tôi cũng mong muốn người đọc khi cầm cuốn sách lên có thể vừa kết hợp học tiếng Anh và tiếng Việt".Anh nói. Những ý tưởng về viết sách giáo khoa tiếng Anh được Lê Đình Bì nuôi dưỡng đang lớn dần lên. Đối tượng anh nhắm đến không ai khác mà chính là lớp trẻ, không chỉ trong nước mà cả những người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. "Trong đời, có 2 nghề tôi thích thú nhất là viết và dạy học. Đồng tiền kiếm được nó lương thiện vô cùng"Anh cười hạnh phúc - “Tôi đã có thể ngủ ngon”.
|
Đăng nhận xét