180 anh hùng trong thảm hoạ ở Nhật Bản


180 anh hung trong tham hoa o Nhat Ban
Tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi.
Khi tất cả thế giới đang nín thở dõi theo cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản thì một nhóm chuyên gia, kỹ sư nước này đang mạo hiểm cả mạng sống của mình để ngăn chặn không cho cuộc khủng hoảng đó biến thành một thảm hoạ tiếp theo sau thảm hoạ động đất, sóng thần.

Hàng ngàn người sống gần khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã được sơ tán đi nơi khác do lo sợ nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ các lò phản ứng ở nhà máy này.

Nhưng trong khi hầu hết mọi người hối hả rời khỏi khu vực nguy hiểm thì khoảng 180 chuyên gia vẫn ở lại, bất chấp thực tế rằng họ có thể bị bệnh nặng hoặc thậm chí là chết do nhiễm phóng xạ trong quá trình chiến đấu nhằm chống lại nguy cơ tan chảy lõi lò phản ứng.

"Các chuyên gia ở lại nhà máy Fukushima Daiichi đang tham gia vào một công việc anh hùng. Ít nhất là đã có những bằng chứng chắp vá cho thấy, một số nơi trong nhà máy đang có độ nhiễm phóng xạ ở mức cao, có thể đe doạ đến tính mạng con người," cựu quan chức Bộ Năng lượng Mỹ - ông Robert Alvarez cho biết.

Những người ở lại nhà máy Fukushima giải quyết sự cố đều là những chuyên gia, kỹ sư có chuyên môn cao, kiến thức rộng và đầy kinh nghiệm.

Theo ông Richard Wakeford thuộc Viện Hạt nhân Dalton của trường Đại học Manchester, đối với phần lớn những người ở lại nhà máy Fukushimasaid giải quyết sự cố, họ chỉ coi đó là một ngày làm việc bình thường khác của mình.

"Họ coi đó là công việc của mình. Người Nhật Bản đặc biệt rất tận tuỵ với công việc. Họ sẽ coi đó như là nhiệm vụ phải làm."

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một người bình thường trung bình có thể nhiễm khoảng 3,0 millisievert (mSv) chất phóng xạ một năm từ môi trường xung quanh, thuốc men hoặc các nguồn khác. Tuy nhiên, độ phóng xạ ở Fukushima Daiichi lúc này đã tăng lên mức kỷ lục 400 millisievert/một giờ. Lượng phóng xạ này đủ để gây hại cho sức khoẻ con người. Millisievert là đơn vị mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc (IAEA) sử dụng để đo độ bức xạ.

Một người bình thường có thể sẽ bị ốm khi phơi nhiễm khoảng 1.000 millisievert (tương đương với 1 Sievert).

"Thật khó có thể biết được toàn bộ bức tranh hiện giờ ở nhà máy Fukushima Daiichi nhưng chắc chắn, độ phóng xạ ở đây đang lên rất cao, đủ để gây hại cho con người," Tiến sĩ Ira Helfand, một thành viên của Tổ chức Các bác sĩ vì Trách nhiệm Xã hội, cho biết.

"Những con người đó đang phải đối mặt với khả năng phơi nhiễm phóng xạ lớn và họ có thể bị bạch cầu hoặc ung thư tuyến giáp," ông Helfand cho hay.

Các chuyên gia đã học được nhiều bài học từ thảm hoạ Chernobyl cách đây 25 năm khi những đám mây phóng xạ lan khắp Ukraine, Belarus, Nga và đông Âu. Khi đó, một số ít các chuyên gia đã được cử đến Chernobyl nhưng không hề hoặc rất ít được bảo vệ trước bụi phóng xạ. "Đó là một sự hỗn loạn. Không có giám sát cũng chẳng có ai hiểu được về những nguy cơ," ông Wakeford cho biết.

Ngược lại, các chuyên gia và kỹ sư ở nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi được trang bị đầy đủ trang phục chống xạ và máy thở. Họ cũng được giám sát chặt chẽ và làm việc theo nhóm để hạn chế độ phơi nhiễm phóng xạ. Vấn đề ở chỗ, khi mức độ bức xạ lên cao hơn nữa thì trang phục chống xạ cũng chẳng còn tác dụng.

Ngoài nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ, các chuyên gia và kỹ sư ở nhà máy Fukushima còn phải đối mặt với mối đe doạ khác cũng có khả năng đe doạ tính mạng của họ.

"Nếu tôi là họ tôi sẽ lo lắng hơn về nguy cơ xảy ra các vụ nổ liên quan đến khí hydro. Những vụ nổ đó sẽ rất lớn, đủ để thổi bay một lúc mái của hai toà nhà," ông Wakeford cho biết. Ông Helfan ví mọi việc diễn ra ở nhà máy Fukushima của Nhật Bản lúc này giống như “một bộ phim mạo hiểm."

Ông Wakeford cho rằng, các chuyên gia và kỹ sư Nhật Bản thừa hiểu, một ngày nào đó họ có thể phải đối mặt với tình huống nguy hiểm như thế này.

Tuy nhiên, theo ông Helfand, điều đó chỉ khiến cho họ trở nên dũng cảm hơn và công việc của họ trở nên đáng khâm phục hơn.

Đồng ý với quan điểm của ông Helfand, ông Wakeford nói thêm: "Các chuyên gia, kỹ sư trong nhà máy điện hạt nhân được đào tạo để hiểu rõ về những nguy hiểm nhưng điều đó chỉ làm cho họ thêm anh hùng khi chấp nhận ở lại để ngăn chặn thảm hoạ".

"Họ biết rằng, nếu có tình trạng tan chảy trong lõi của một lò phản ứng hạt nhân thì chắc chắn sẽ có một thảm hoạ khủng khiếp xảy ra, ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn và một số lượng lớn người dân. Và họ đang hy sinh mạng sống của mình để nỗ lực ngăn chặn tình huống xấu nhất này xảy ra. Tất cả chúng ta đều cần phải biết ơn họ."

Giáo sư Wakeford tiếp lời nói thêm: "Họ thật anh hùng. Không ai có thể nghi ngờ hay phủ nhận điều đó. Họ đúng là những người anh hùng thật sự và tôi xin cúi đầu trước họ."

Kiệt Linh - (theo CNN)
Việt Báo (Theo_VnMedia)

Đăng nhận xét

 
Top