Cập nhật: 3/11/2012 09:53

Bây giờ, nhắc đến doanh nhân Ngô Hùng Lâm, sinh 1961, Giám đốc hệ thống siêu thị hoa Fujii Garden Center (Nhật Bản) thì không chỉ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản mà cả trong nước cũng biết ông. Dường như ông đã trở thành người nổi tiếng sau khi cuốn sách “Chinh phục đỉnh Phú Sỹ” của ông được xuất bản và phát hành tại Việt Nam.

Ông Ngô Hùng Lâm 
Trên các diễn đàn, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ chân thành dành cho ông và coi ông như một trong những tấm gương điển hình về ý chí kiên cường, sự nhẫn nại của một người con đất Việt đi lên từ sự gian khó…

Tôi còn nhớ lần đầu gặp ông là tại ngôi chùa Nisshinkutsu để tham dự buổi “Đại lễ tưởng niệm cho nạn nhân bị thảm họa kép động đất, sóng thần” do Hội Hữu nghị Việt - Nhật phối hợp với chùa Nisshinkutsu tổ chức (ông Lâm là Phó chủ tịch hội). Mặc dù trước đó, tôi đã nghe mấy anh ở sứ quán một vài lần nhắc đến tên của ông trong những buổi “trà dư tửu hậu” nhưng thực sự cũng không để tâm lắm.

Ở buổi lễ đó, tôi bị ấn tượng bởi những lẵng hoa được bài trí rất công phu, đẹp mắt và bởi cô bé dẫn chương trình mặc áo dài Việt Nam rất xinh nhưng lại nói tiếng Nhật rất “sành”…Tôi cũng như những người ngồi cạnh đều tò mò, không biết cô bé đó là người Nhật hay người Việt mà nói tiếng Nhật “siêu” thế? Kết thúc buổi lễ, tôi bắt chuyện mới biết cô bé tên My, người Việt nhưng sinh ra ở Nhật. Tuy vậy, vốn tiếng Việt của My vẫn khá tốt. Cách nói chuyện rất cởi mở, dễ thương khiến chúng tôi có thể “buôn chuyện” khá lâu.

My “khoe” những lẵng hoa kia là của siêu thị hoa nhà cô dâng Phật và do chính tay ba con cô làm. My chỉ tay về người đàn ông ngồi bàn kế bên, nói giọng đầy tự hào: “Ba em đó chị. Ba em khéo tay lắm. Ba em cái gì cũng làm được à”. Lúc đó, tôi mới biết ba của My chính là ông Ngô Hùng Lâm - người tôi đã biết tên nhưng chưa tường mặt… Lúc đó, ông Lâm đang động viên, an ủi và “truyền lửa” cho bạn Nguyễn Xuân Quy, một du học sinh tại Nhật, đang từ một chàng trai khỏe mạnh, không may mắc phải căn bệnh quái ác, phải cưa đi đôi chân của mình...

Tôi lặng lẽ đứng nghe và một vài người đã không kìm nổi sự xúc động khi nghe ông Lâm tâm sự. Sau đó, Quy đã siết tay ông thật chặt, hứa với ông cho dù thế nào cũng sẽ không từ bỏ cuộc sống này và ông cũng đã cam kết với Quy sẽ luôn ở bên hỗ trợ em. Sau lần gặp đó, tôi nung nấu ý định phải đến “mục sở thị” siêu thị hoa của ông…

Từ Tokyo đến nhà ông Lâm ở tỉnh Chiba khoảng 100km. Qua mấy lần đổi tàu, tôi cũng đến được nơi theo ông chỉ dẫn. Ra khỏi cửa ga, tôi đã được ông đứng chờ ở đó. Thấy ông, tôi hơi bất ngờ với hình ảnh của ông trong bộ quần áo bảo hộ lao động, trên cổ còn quấn một cái khăn bông thấm mồ hôi, lái chiếc xe bán tải để chở hàng - khác xa với hình ảnh của một doanh nhân thành đạt trong bộ vest lịch lãm, lái chiếc xe hạng sang như hôm tôi gặp trên chùa. Có lẽ đây cũng là một điểm khác biệt rất rõ với số đông “ông chủ” ở Việt Nam. Ở Nhật, làm chủ không có nghĩa chỉ ngồi một chỗ để “chỉ tay năm ngón”, mà phải làm việc như một người làm công bình thường…

Về đến nhà ông, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước căn nhà gỗ thơm phức, rộng chừng 300m2, bên cạnh đó là siêu thị bán hoa và cây rộng chừng 1.500m2. Chưa kể, ông còn sở hữu một siêu thị cách đó không xa, trên đường ra sân bay quốc tế Narita, rộng 4.000m2. Điều đặc biệt là ông tự tay thiết kế, tự tay làm cùng với thợ để hoàn thành các công trình của mình. Nhìn các công trình của ông, không chỉ người Việt, mà ngay cả người Nhật cũng phải thán phục…

Trong giọng nói, ánh mắt của ông không giấu nổi niềm hạnh phúc khi nhắc đến người vợ hiền, hết lòng thương yêu, là chỗ dựa vững chắc cho ông vượt qua bao khó khăn, thử thách và cũng không giấu niềm tự hào về 2 người con học hành giỏi giang nhưng đã biết tự lập, không ỷ vào ba mẹ. Mặc dù làm việc cho công ty gia đình nhưng các con của ông cũng phải trải qua các kỳ phỏng vấn xin việc như một ứng viên bình thường và cũng được nhận mức lương như các nhân viên khác.


Vợ chồng ông Lâm trong buổi ra mắt cuốn sách

Hồi tưởng lại quá khứ, ông không khỏi xúc động khi nghĩ về chặng đường đã qua. Sinh trưởng trong gia đình có cha là sỹ quan ngụy nhưng 3 mẹ con ông không được người cha đoái hoài gì đến, phải tự kiếm sống nuôi nhau. Năm 10 tuổi, ông suýt phải đổi mạng sống của mình khi đi đào vỏ đạn, bắt kỳ nhông để bán lấy tiền mua gạo…

Năm 17 tuổi, do cuộc sống quá túng quẫn, khó khăn, ông giấu mẹ, giấu anh vượt biên cùng với một nhóm người trong đêm trên một chiếc thuyền mục. 14 ngày lênh đênh trên biển, rồi gặp cướp biển, trên thuyền không ai còn một chút đồ ăn, ông chỉ còn duy nhất một quả chanh trong người.

Đói, khát, bệnh tật tưởng đã lấy đi mạng sống của ông nhưng may mắn thay, ông đã được một bác sỹ người Nhật cứu giúp, chữa trị và chuyển vào trong trại tị nạn ở Malaysia. Thời gian ở trại, ông không như những người khác ngồi chờ để lấy phần cấp phát cứu tế, mà ông đã một mình tập trèo lên những cây dừa cao vút để hái quả bán - một công việc ở đó ít ai dám làm. Rồi, ông lại tự tìm cách đóng thuyền ra biển đánh cá để bán kiếm tiền…

Một thời gian sau, hồ sơ của ông được chấp nhận đi Mỹ. Với người khác đã nhảy cẫng lên vì sung sướng nhưng với ông thì không. Ông vẫn mang nỗi niềm canh cánh được đến Nhật bởi trong đầu ông hình ảnh người bác sỹ Nhật hiền từ, nhân hậu đã cứu đời mình luôn chập chờn trong cả giấc mơ. Vì thế, khi có đoàn Nhật sang trại tị nạn để cứu tế (họ không nhận định cư) nhưng ông vẫn cứ làm đơn thể hiện tâm nguyện của mình và ông là trường hợp ngoại lệ, được chấp nhận cho định cư ở Nhật.

 Sang đó, mặc dù tiếng Nhật một chữ bẻ đôi không biết nhưng cùng với sự hiền lành, chịu thương chịu khó, ông đã được một người Nhật cưu mang, nhận làm con nuôi và hướng dẫn cho ông những bước đi đầu tiên trên xứ lạ. Đầu tiên, ông học nghề xây dựng, rồi trở thành một chủ thầu công trình nhà ở có tiếng trong vùng. Ông vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để thay đổi cách làm việc sao cho có năng suất cao hơn người khác. Đang ở đỉnh cao trong nghề, không may, ông lại bị tai nạn lao động. Từ đó, ông chuyển sang kinh doanh buôn bán đồ gốm sứ, gây dựng cơ nghiệp từ một cửa hàng diện tích chỉ 12m2 giữa một cánh đồng hoang.

Năm 1997, ông là người đưa gốm sứ Bát Tràng đến với Nhật Bản. 6 năm sau, ông mở  rộng sang lĩnh vực kinh doanh hoa và cây cảnh. Và dường như kinh doanh hoa, cây cảnh là một cái duyên. Bàn tay khéo léo, tài hoa của ông đã mang vẻ đẹp cho đời. “Tiếng lành đồn xa” nên cửa hàng mỗi ngày được mở rộng. Đến nay, ông đã là chủ hai siêu thị chuyên về hoa và cây cảnh. Sắp tới, ông còn mở thêm siêu thị thứ 3.

Trong con mắt  một số doanh nhân Nhật Bản, ông là doanh nhân người Việt đầu tiên và là số ít trong những người nước ngoài thành công trên đất Nhật, một thị trường của những người tiêu dùng khó tính và chỉ tin dùng hàng nội. Ông cho biết chính bố mẹ nuôi người Nhật của ông đã dạy cho ông: “Muốn thành công trên đất Nhật thì ngoài ý chí của mình phải học được thêm 2 từ NHẪN NHỊN VÀ LỄ PHÉP”. Và trải qua hơn nửa cuộc đời, hơn ai hết ông rất thấm thía lời dạy của bố mẹ nuôi ông. Các siêu thị của ông đã cưu mang, tạo công ăn việc làm cho không ít những con người cùng dòng máu Việt, gặp khó khăn trên đất khách quê người, bởi ông vốn là một người từ nhỏ đã phải đi làm thuê, làm mướn, chịu cảnh bị đánh đập, chửi bới nên ông rất cảm thông, chia sẻ và luôn dang rộng cánh tay giúp đỡ họ.

Ông Lâm vẫn thường xuyên có những đóng góp thiết thực cho quê nhà. Đó là sự sẻ chia, góp sức trong việc dựng lên một cây cầu để con đường tới trường của những em nhỏ ở Thương Hoá, Quảng Bình được an toàn, thuận tiện hơn. Rồi ông đi xin 1 nghìn chiếc xe đạp cũ để mang về Việt Nam, nhờ người sửa chữa lại để cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn làm phương tiện đi lại. Hay chỉ bằng những hành động nhỏ bé như tặng quà cho trẻ em nhiễm chất độc da cam, tặng quà cho trại cai nghiện, ủng hộ cho Quỹ khuyến học Đèn đom đóm..., hay những dự định lớn lao hơn mà ông Ngô Hùng Lâm đang ấp ủ như kế hoạch vận động, quyên góp xây trường học tại các vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. 
 
ÁNH HUYỀN
 

Đăng nhận xét

 
Top