Ông Ogura Koen

Ogura Koen chơi cờ với Lê Mai Duy, kỳ thủ vô địch quốc gia 2006


So với các môn thể thao trí tuệ khác như cờ tướng, cờ vua, cờ vây chỉ mới du nhập vào VN cách đây hơn 10 năm, nhưng lại không có điều kiện phổ cập do thiếu người giỏi có thể truyền bá môn này. Lắng đi một thời gian, gần đây người hâm mộ mới thấy cờ vây phát triển trở lại tại VN, nhờ tình yêu, nhiệt huyết của một người đến từ đất nước mặt trời mọc…Nhắc đến ông Ogura Koen, nhiều kỳ thủ hàng đầu trong làng cờ vây VN luôn cho rằng đó vừa là người thầy luôn chỉ dạy tận tình cho mình trong những ngày đầu làm quen với cờ vây, đồng thời cũng là người đã có công rất lớn thúc đẩy bộ môn này phát triển ở TP.HCM cũng như ở nhiều địa phương 
khác.Người Nhật coi cờ vây là một trong những phương tiện giáo dục và rèn luyện hàng đầu. Cũng như nhiều người Nhật khác, ông Ogura Koen từ nhỏ đã biết chơi cờ vây và rất say mê môn này. Ông bày tỏ: "Tôi muốn nói với các bậc phụ huynh rằng cờ vây không chỉ là một môn giải trí đơn thuần, mà đó là một môn thể thao có tác dụng phát triển trí óc rất hiệu quả, đặc biệt là với trẻ em. Thế nên tôi khuyên các bạn hãy tập cho con mình tiếp xúc với cờ vây, cũng như các phương tiện truyền thông hãy quan tâm nhiều hơn đến môn này. Đối với tôi, cờ vây là môn thể thao bổ ích số một thế giới".

Đến VN lần đầu tiên năm 1995 để rồi 2 năm sau đó, ông cùng vợ quyết định chọn xứ sở này làm quê hương thứ 2 của mình, và cũng để thực hiện ước mong phát triển rộng rãi môn cờ vây ở VN. Mở một hội quán văn hóa trên đường D5, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, ông đem cờ vây giới thiệu với nhiều người, đặc biệt với các bạn trẻ qua hình thức giao lưu ngôn ngữ. Nhờ có hoạt động này mà lớp kỳ thủ trong thành phần đội tuyển quốc gia bây giờ như Trần Chí Thành, Lê Mai Duy, Trần Anh Tuấn mới có cơ hội được rèn luyện và nâng cao tư duy chơi cờ của mình dưới sự chỉ dạy tận tình của ông thầy Nhật.
Hiểu rõ môn cờ vây ở VN còn ít người biết đến nên mỗi khi nghe ở đâu có tổ chức giải thi đấu, ông đều nhiệt tình tìm đến để hỗ trợ và tư vấn. Sự hỗ trợ đôi khi chỉ là những dụng cụ chơi cờ hay vài cuốn sách hướng dẫn phương pháp đánh, nhưng đó lại là động lực cho nhiều kỳ thủ nỗ lực để tiến bộ hơn, để không phụ lòng người thầy đầy nhiệt huyết này. Lê Mai Duy, kỳ thủ vô địch quốc gia 2006 cho biết: "Nhờ được thường xuyên chơi cờ với ông mà lớp kỳ thủ chúng tôi mới đạt đến trình độ như ngày hôm nay.
Mười năm qua, ông đã nâng chất cho rất nhiều lứa kỳ thủ và luôn tìm cách để nhân rộng môn cờ vây đến với nhiều người. Ông quả là người có công rất lớn với cờ vây VN". Hôm khai mạc giải vô địch cờ vây quốc gia 2007 đầu tháng 9 này, thấy đông đảo bạn trẻ đến tham gia thi đấu, ông Ogura Koen khấp khởi mừng vì cờ vây bây giờ đã được nhiều người biết đến. Nhìn thấy một kỳ thủ nhí ngày nào ông dạy cho cách đánh cờ giờ đã cao lớn hơn mình và đến tham dự giải, ông cứ vỗ vỗ vào vai kỳ thủ ấy như thể động viên.
Trao đổi với ông, tôi cũng ngộ ra nhiều điều thú vị về bàn cờ với lẽ sống ở đời. Ông tâm sự: "Người đánh cờ vây phải hiểu được cách cho và nhận thì mới có một tầm nhìn xa để thắng một ván cờ. Không nên tham quá, phải biết cho nhiều, nhận ít thì mới mang lại kết quả tốt được. Nó cũng giống như nguyên lý sống trong cuộc đời này vậy". Có lẽ vì cái nguyên lý ấy mà ông đã không quản ngại xa xôi lặn lội từ Nhật đến đây để phát triển môn thể thao trí tuệ này, cũng như việc ông đã miệt mài đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm chơi cờ cho hơn 3.000 kỳ thủ nước ta mà không hề òi hỏi một quyền lợi gì cho mình
Hữu trí
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

Đăng nhận xét

 
Top