Cứu sống hai người chôn vùi dưới đất 9 ngày sau động đất


Hai người, trong đó có một cụ già và một cậu con trai, vừa được cứu thoát từ đống đổ nát tại thành phố Ishinomaki, Nhật Bản, hôm nay, 9 ngày sau trận siêu động đất và sóng thần.
“Một cụ già 80 tuổi và một bé trai 16 tuổi được tìm thấy dưới đống đổ nát”, AFP dẫn lời phát ngôn viên Sở cảnh sát Ishinomaki cho hay.
“Thân nhiệt của họ rất thấp nhưng họ vẫn tỉnh táo. Chi tiết về tình trạng của họ vẫn chưa được rõ. Hai người đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu”.
Trước đó, báo chí Nhật Bản cũng đưa tin về một thanh niên được cứu sống từ đống gạch vụn của một tòa nhà bị đổ ở tỉnh Miyagi, 8 ngày sau động đất. Tuy nhiên, sau đó hãng tin Kyodo cải chính thông tin đó là không đúng sự thật, bởi người thanh niên đó đã đi trú ẩn ở một trại sơ tán trước khi trở về nhà thu dọn đồ đạc và gặp lính cứu hộ ở đó.
Hiện nay, số người được khẳng định là đã chết và mất tích ở Nhật Bản đã vượt quá 20.000 người. Người ta lo ngại con số thực tế sẽ còn cao hơn nhiều sau thảm họa kép tàn phá vùng đất đông bắc Nhật Bản.
Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật cho biết 8.133 người thiệt mạng và 12.272 người được coi là mất tích – tổng cộng lên tới 20.405 người tính đến trưa nay. Tỉnh Miyagi bị ảnh hưởng nặng nhất, với số tử vong được khẳng định là 4.882 người.
Naoto Takeuchi, cảnh sát trưởng tỉnh Miyagi, phát biểu trong một cuộc họp của lực lượng đặc nhiệm rằng riêng tỉnh này sẽ cần “các cơ sở vật chất đảm bảo để giữ xác chết của hơn 15.000 người”, tờ Jiji đưa tin.
Con số tử vong hiện vượt xa trận động đất mạnh 7,2 độ Richter tại thành phố cảng Kobe ở Nhật Bản năm 1995, khiến 6.434 người thiệt mạng.
Trận siêu động đất hôm 11/3 đã trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất Nhật Bản kể từ sau trận động đất Kanto năm 1923 giết chết hơn 142.000 người.
Hiện hơn 360.000 người bị mất nhà cửa và phải lánh nạn trong các trại sơ tán ở 15 tỉnh.
Trong khi đó, theo CNN, các quan chức Nhật Bản cho biết họ có thể phải giải phóng hơi phóng xạ vào không khí để làm giảm áp suất tại một lò phản ứng trong nhà máy Fukushima đang gặp nạn.
Cuu song hai nguoi chon vui duoi dat 9 ngay sau dong dat
Xe cứu hỏa phun nước vào lò phản ứng số 3 của nhà máy hạt nhân Fukushima I. Ảnh: Japan Defense Ministry.
Trong khi các công nhân đã thành công một phần trong việc làm nguội các lò phản ứng, cơ quan an toàn hạt nhân quốc gia cho biết việc thải khí gas là một bước cần thiết để giảm áp suất ngày càng tăng trong bể chứa của lò số 3.
“Để đảm bảo an toàn, chúng tôi cần thực hiện biện pháp để làm giảm áp suất trong bể chứa. Nay điều đó có nghĩa là không khí chứa chất phóng xạ sẽ được thải ra bầu khí quyển”, Hidehiko Nishiyama tại Viện an toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản nói.
Lò số 3 là một trong 6 lò tại nhà máy hạt nhân Fukushima I, nơi các công nhân đang vật lộn để ngăn chặn hiện tượng nóng chảy hoàn toàn sau khi trận động đất mạnh 9,0 độ Richter kéo theo sóng thần làm hỏng hệ thống làm lạnh tại đây.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay họ đã thành công trong việc đổ nước vào lò phản ứng số 4. Tổng cộng 80 tấn nước đã được đổ xuống bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, trong một sứ mệnh kéo dài 70 phút và kết thúc vào lúc 9h30 sáng nay.
Trong khi đó, Sở cứu hỏa Tokyo cũng phun hơn 2.000 tấn nước vào bể nhiên liệu ở lò phản ứng số 3 trong tổng cộng 13 giờ suốt đêm qua.
Hệ thống làm lạnh đã hoạt động trở lại tại lò số 6, nhờ vào việc khôi phục lại nguồn điện và nhiệt độ tại bể nhiên liệu đã giảm xuống khoảng 40 độ C.
Các công nhân cũng đang cố gắng khôi phục lại nguồn điện tại lò số 1 và 2 trong ngày hôm nay để khởi động lại hệ thống làm lạnh.
Song Minh
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

Đăng nhận xét

 
Top