Samurai thời hiện đại
Dù biết ở lại có thể hy sinh hoặc chịu nỗi đau dai dẳng do bị nhiễm phóng xạ, những công nhân vẫn quyết bám trụ để ngăn chặn sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi.
Những chiến binh quả cảm
Bất chấp nguy cơ cháy nổ và kẻ thù vô hình - phóng xạ có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại nỗi đau dai dẳng, họ vẫn nỗ lực chạy đua với thời gian để ngăn chặn thảm hoạ bên trong nhà máy điện hạt nhân tối om và ngột ngạt. 180 công nhân cứu hộ khẩn cấp tại khu tổ hợp Fukushima Dai-ichi đang được tôn vinh là những anh hùng trong thảm hoạ.
Được xem như chiến binh samurai thời hiện đại, các kỹ thuật viên được yêu cầu trở lại làm việc vào đêm 16-3 sau khi nồng độ phóng xạ tăng đột ngột buộc họ phải rời khỏi vị trí trong vài giờ. “Tôi không biết nói gì hơn, nhưng họ giống như những chiến binh cảm tử trong chiến tranh”, Keiichi Nakagawa, Phó giáo sư tại Khoa phóng xạ thuộc Bệnh viện Đại học Tokyo cho biết.
Những nhóm nhỏ các nhân viên cứu hộ khẩn cấp không được tiết lộ danh tính luân phiên vào, ra trong 10-15 phút mỗi lần để bơm nước biển vào các lò phản ứng đang quá nóng của nhà máy, kiểm soát chúng và dọn mảnh vụn do các vụ nổ gây ra. Để tránh bị nhiễm phóng xạ, các công nhân phải mặc bộ quần áo liền màu trắng, đeo mặt nạ gắn thiết bị lọc không khí che kín mặt, đội mũ bảo hộ và đeo găng tay dày. Một số người có thể mang theo bình ô xy để tránh bị hít phải những phân tử phóng xạ.
Công ty điện lực Tokyo ngày 18-3 thông báo, số công nhân làm việc trong nhà máy đã được tăng quân số từ 180 lên 322 người và thay thế những người đã tiếp xúc với mức độ phóng xạ tối đa.
Đối mặt với hiểm nguy
Theo thống kê của Công ty điện Tokyo, mức phóng xạ cao nhất tại một số khu vực của nhà máy được ghi nhận trong mấy ngày qua là 600 millisieverts. Nhiễm phóng xạ quá mức có thể gây bỏng, nôn mửa và hại cho các mô máu, tai hại hơn là gây ung thư và sinh con quái thai.
Một người bình thường có thể hít 6 millisieverts mỗi năm từ thiên nhiên và những nguồn nhân tạo như tia X-quang nhưng theo Tony Irwin, chuyên gia tư vấn hạt nhân người Australia, một công nhân trung bình hít mức phóng xạ 20 millisieverts mỗi năm, tối đa là 50 millisieverts. “Cho nên, quản lý nhà máy sẽ cố gắng xoay vòng người để đảm bảo họ ở trong giới hạn đó. Hiện nay, nhiều nước đặt ra giới hạn khẩn cấp là 100 millisieverts mỗi năm”, ông Tony cho biết, “Bởi vậy, họ sẽ đeo các thiết bị kiểm soát phóng xạ để biết chính xác chuyện gì đang xảy ra”.
Do tình hình khẩn cấp, hôm 16-3, Bộ Phúc lợi và lao động y tế Nhật Bản đã nâng mức nhiễm tối đa cho phép đối với các công nhân làm việc tại nhà máy điện hạt nhân từ 100 lên 250 millisieverts. Thách thức đối với các công nhân tuần này là việc mở van xả áp suất và đưa nước vào nhằm hạ nhiệt lò phản ứng.
Các công nhân cũng phải đi bộ quanh nhà máy để đo mức phóng xạ tại mỗi địa điểm họ tới và dọn sạch những chất gây ô nhiễm. Họ cũng phải xử lý các thiết bị bị vỡ và đương đầu với tình trạng thiếu điện. “Điều tôi lo lắng bây giờ là các công nhân. Họ đang trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm”, bác sĩ Don Milton thuộc Viện ứng dụng sức khoẻ môi trường Maryland thuộc Đại học Maryland cho biết.
Việt Báo (Theo ANTĐ)
Đăng nhận xét