“Ngả mũ” thán phục người Nhật!
|
Bất chấp những cảnh tượng kinh hoàng và gây chấn động do thảm hoạ kép hôm 11/3 gây ra, Nhật Bản vẫn có thể vững vàng bước qua khủng hoảng, vươn lên với một hình ảnh và uy tín quốc tế ngày càng lên cao bởi giờ đây, khắp nơi trên thế giới người ta đang phải “ngã mũ” thán phục trước sự kiên cường của người Nhật.
Đài truyền hình khắp nơi trên thế giới đã liên tục cập nhật những thước phim, những hình ảnh mà họ ghi lại được về trận động đất khủng khiếp mạnh tới 9 độ richter kèm theo những con sóng thần hung dữ cao tới 10m tấn công vào miền đông bắc Nhật Bản hôm 11/3 vừa qua. Những con sóng thần đã san phẳng mọi ngôi nhà mà nó đi qua, hất tung những chiếc xe hơi, tàu thuỷ, tàu hoả lên trời như thể chúng chỉ là một món đồ chơi nhỏ bé. Người ta còn thấy hình ảnh những người sống sót bàng hoàng, đau đớn trước quang cảnh tàn phá đang hiện ra trước mắt họ.
Tuy nhiên, truyền thông trên thế giới cũng không thể bỏ qua một khía cạnh khác trong thảm hoạ ở Nhật Bản. Đó là sự bình tĩnh, kiên trì của người dân xứ sở mặt trời mọc, là tính kỷ luật, quy củ và có trật tự ở nước này. Người ta thấy hình ảnh những người dân Nhật bình tĩnh, cần mẫn tìm kiếm người thân, kiên nhẫn chờ đợi được phát những nhu yếu phẩm cần thiết. Tuyệt nhiên không có hình ảnh của cướp bóc, bạo lực, giành giật, tranh cướp nhau. Hàng dài người dân vẫn xếp hàng một cách trật tự trước những cửa hàng gần như trống rỗng.
Người dân Nhật vẫn kiên nhẫn xếp hàng một cách có trật tự để chờ đợi đến lượt được mua lương thực. |
Nhiều bài viết trên blog tiếng Anh đã miêu tả người Nhật là “những người khắc kỷ” (có khả năng chịu đựng trong nghịch cảnh) và tự hỏi, phản ứng sẽ như nào ở các nước phương Tây khi một thảm hoạ tương tự xảy ra.
Giáo sư trường Đại học Harvard - ông Joseph Nye cho biết, thảm hoạ trên hoá ra lại giúp tăng “quyền lực mềm” của Nhật Bản. Quyền lực mềm là cụm từ dùng để miêu tả về cách các quốc gia đạt đuợc mục đích của mình như thế nào thông qua việc làm cho họ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nước khác.
"Mặc dù thảm kịch này là vô cùng kinh khủng và đáng sợ nhưng thông qua sự kiện đáng buồn này, một phần những đặc điểm và tính cách hấp dẫn của người dân Nhật Bản đã được bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết. Điều đó giúp tăng quyền lực mềm của Nhật Bản," ông Nye đã nói như vậy trong bức thư email trao đổi với hãng tin AFP.
Mấy ngày nay, báo chí không ngừng nói đến sự bình tĩnh, trật tự và có kỷ luật của Nhật Bản. Dù trận động đất kèm sóng thần kinh hoàng nhất trong lịch sử Nhật Bản xảy ra nhưng người dân nước này vẫn giữ một thái độ đáng trân trọng và kính phục.
Trong giờ phút dường như dễ gây hoảng loạn nhất khi động đất làm rung chuyển các toà nhà, người ta vẫn không thấy cảnh người dân náo loạn, dẫm đạp lên nhau chạy trốn. Mọi người đều bình tĩnh tiếp tục công việc của mình. Một phóng viên nước ngoài cho biết, trong khi cô vừa làm việc vừa run thì những đồng nghiệp xung quanh vẫn tiếp tục làm việc một cách bình thản. Khi những cơn rung lắc trở nên dữ dội hơn, mọi người bắt đầu tìm cách chạy ra khỏi toà nhà. Nhưng trong lúc này, người ta vẫn chào hỏi, nhường đường cho nhau khi gặp nhau trong cầu thang bộ. Khi ra đến bên ngoài, mọi việc vẫn diễn ra trong trật tự. Người dân Nhật xếp hàng lần lượt đến công viên sơ tán. Họ vẫn chờ đèn đỏ như thường lệ và vẫn nói chuyện điện thoại nhẹ nhàng trong khi che tay vào miệng nhằm tránh làm ảnh hưởng đến người khác.
Người dân Nhật góp gạo thổi cơm chung trong khi chờ đợi được cứu. |
Đến các cửa hàng vào thời điểm diễn ra thảm hoạ kép, người ta vẫn xếp hàng như mọi ngày và không có dấu hiệu của sự chen lấn, xô đẩy hay giành giật.
Nhà cửa hoang tàn, người thân mất tích, thi thể người nằm khắp nơi nhưng người ta cũng không nghe thấy những tiếng gào khóc, không có sự kích động cũng chẳng có sự giận dữ. Đúng như tinh thần của người dân Nhật, họ chỉ im lặng và giữ một thái độđáng kính.
Nhiều người sống sót đang phải chật vật trải qua những ngày đói rét và họ chỉ nhận được khoảng 10% những gì mình yêu cầu. Tuy nhiên, tuyệt nhiên không có tình trạng cướp bóc hay oán thán gì ở đây. Những người dân Nhật vẫn tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi vì họ biết rằng chính quyền còn nhiều việc quan trọng hơn phải làm và những người khác cũng đang gặp khó khăn như họ.
Rõ ràng, tất cả những gì đang diễn ra ở đất nước mặt trời mọc đã cho thấy “đó là một xã hội ổn định, trật tự và đã được chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với thảm hoạ, một quốc gia hiện đại. Nhật Bản đã phản ứng với thảm hoạ một cách bình tĩnh và có trật tự đáng khâm phục," giáo sư Nye nhận xét.
Gần như tất cả các quốc gia đều nhận được sự thông cảm của các nước khác khi phải đối mặt với một thảm hoạ gây chết người. Tuy nhiên, hiếm có nước nào lại giành được sự khâm phục và uy tín thông qua thảm hoạ như ở Nhật Bản hiện nay.
Một người lính đang âu yếm nhìn đứa trẻ mà anh vừa cứu được sau 3 ngày bé nằm giữa đống đổ nát. |
Một số chuyên gia tin rằng, thảm hoạ kép vừa rồi có thể thay đổi câu chuyện về đất nước Nhật Bản. Thay vì nói đến sự tăng trưởng kinh tế yếu kém, trì trệ, dân số già và chính quyền thay đổi liên tục như trước đây thì từ giờ, người ta sẽ nói không ngớt về sự hiện thân mới của đất nước Nhật Bản.
"Vấn đề nằm ở chỗ liệu Nhật Bản có thể thực hiện những việc làm cần thiết để đổi mới và khôi phục nền kinh tế hay không. Còn quá sớm để đưa ra dự đoán điều gì, nhưng tôi nghĩ, cho đến nay, người Nhật đang thể hiện sự kiên cường trong thảm hoạ. Người ta sẽ còn nói nhiều về Nhật Bản trong những ngày sắp tới và nhiều tuần nữa trong tương lai," ông Nicholas Szechenyi, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, bày tỏ.
Hiện tại, sau thảm hoạ động đất và sóng thần, người Nhật lại đang phải đối phó với nguy cơ xảy ra thảm hoạ hạt nhân. Tuy nhiên, cùng với vấn đề hạt nhân, các tờ báo trên thế giới tiếp tục ca ngợi phản ứng của người dân Nhật Bản.
Tờ Bưu điện Quốc gia Canada bình luận, sự nhìn xa trông rộng của Nhật Bản đã cứu “mạng sống của hàng chục nghìn người." "Không giống như ở Haiti (năm 2010), Pakistan (năm 2005) hoặc Tứ Xuyên, Trung Quốc (năm 2008), hàng ngàn người đã chết một cách vô lý khi những toà nhà cao tầng đổ sập ngay lên đầu họ”.
Trong khi đó, tờ Nhật Báo Phố Wall có bài xã luận, trong đó viết: "Sau trận động đất chỉ xảy ra một lần trong vòng 300năm, người Nhật vẫn giữ được bình tĩnh trong khủng hoảng, tổ chức một chiến dịch cứu trợ, cứu hộ khổng lồ và làm cho cả thế giới phải ngả mũ thán phục."
Nói như ông Nicholas D. Kristof ở tờ New York Times thì đức tính cao thượng, tính kiên cường và thái độ lịch sự đã ăn sâu vào văn hoá con người Nhật Bản. Và những điều tốt đẹp đó sẽ được nhắc đến không ngừng trong những ngày sắp tới. "Thời điểm thảm hoạ cũng là thời điểm mà tính chặt chẽ, kỷ luật của xã hội Nhật Bản cũng như sự kiên cường, dẻo dai của những con người nơi đây toả sáng. Và tôi tin rằng, người Nhật nhìn chung sẽ đoàn kết bên nhau – đây là điều đối ngược với tình trạng chia rẽ, mâu thuẫn đang thể hiện trong nền chính trị từ Wisconsin tới Washington . Vì thế, có lẽ chúng ta có thể học được chút ít gì đó từ Nhật Bản. Nói tóm lại, trái tim của chúng tôi đang hướng về Nhật Bản và chúng tôi xin gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc nhất về thảm hoạ vừa rồi. Chúng tôi cũng xin bày tỏ sự ngưỡng mộ lớn nhất dành cho những con người Nhật Bản."
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Việt Báo (Theo_VnMedia) |
Đăng nhận xét