Động đất Nhật Bản: Sự bình tĩnh của người dân

Rất có thể thảm họa còn lớn hơn, kinh khủng và bi đát hơn nhiều nếu sự cuồng bạo của thiên nhiên được hỗ trợ bởi cơn hoảng loạn của con người
 http://a8.vietbao.vn/images/vn888/hot/201007/1735234633-1-Online_lien_tuc_cho_tin_nguoi_than_o_Nhat_1.jpeg
Tất cả các tờ báo, các đài phát thanh, truyền hình trong những ngày vừa qua đều không thể bỏ qua những tin tức về thảm họa động đất, và sóng thần tại Nhật Bản. Trong một trận động đất lên tới 8,8 độ richte, và sự đe dọa từ những cơn dư chấn bất tuyệt liên miên, thật khó hình dung người ta có thể bình tĩnh đến như thế. 01h sáng ngày 12/3, 10 giờ sau khi trận động đất đầu tiên xảy ra, nhà báo Vân Anh, đang công tác tại Tokyo, xếp hàng chờ tàu điện ngầm để về nhà, tranh thủ cập nhật thông tin: Không thể bắt taxi, tại các bến tàu điện là những hàng người xếp hàng dài cả cây số, nặng nề, nhưng trật tự. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, và cả hệ thống điện thoại liên tục xuất hiện khuyến cáo của Chính quyền: Xin mọi người hãy bình tĩnh! – Và sự bình tĩnh đó đã được thể hiện trên cả những gương mặt mệt mỏi nhất.
Ở nước Nhật, những trận động đất không hề là xa lạ. Đó cũng là đất nước sở hữu những công nghệ cảnh báo và phòng chống động đất tiên tiến nhất thế giới. Nhưng, điều đó cũng phải bất lực trước sự cuồng bạo của thiên nhiên. Đã có gần 1000 người thiệt mạng, khoảng 1 vạn người khác mất tích và có thể cũng không còn sống. Công nghệ sự cẩn trọng đã không thể cứu đượchọ. Nhưng, rất có thể thảm họa đó còn lớn hơn, kinh khủng, và bi đát hơn nhiều khi sự cuồng bạo của thiên nhiên được hỗ trợ bởi cơn hoảng loạn của con người. Điều đó đã không xảy ra ở Nhật Bản, khi người dân bình tĩnh để tìm đường sống sót.
Khi hình ảnh những hàng người trật tự xếp hàng nhận cứu trợ ở thành phố Sendai, nơi có nhiều người thiệt mạng nhất, được phát đi trên khắp thế giới, hẳn nhiều người sẽ nhớ đến một hình ảnh khác được phát đi năm ngoái. Đó là hình ảnh hàng trăm người xấu xố bị thiệt mạng trên cây cầu ra đảo Kim Cương trên đất Campuchia. Khi đó, hàng vạn con người hoảng loạn đã dẫm đạp lên nhau trên một cây cầu nhỏ. Họ sợ điều gì? Không phải một trận động đất, cũng không phải thông tin về một quả bom sắp phát nổ, chỉ là sự rung rinh của cây cầu dây văng khiến người ta sợ rằng nó sẽ sập. Cây cầu không sập, nhưng niềm tin sụp đổ đã lấy đi mạng sống của gần 400 con người.
Vì sao tại Nhật Bản người ta có thể bình tĩnh chờ đợi để đến lượt về nhà khi mặt đất dưới chân vẫn tiếp tục rung lên, và khi người thân còn chưa có tin tức? Phải chăng đó là mặt tích cực của tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản, hay đó là sự tự trọng được hình thành từ bề dày văn hóa? Có thể, đó là những yếu tố làm nên tính cách Nhật. Song, con người ở nền văn nào cũng vẫn luôn là những thực thể cá nhân, và niềm ham sống, sợ chết, lợi ích cá nhân luôn tồn tại và bùng nổ trong những thời điểm khó khăn và tuyệt vọng. Do đó, phải có một cách lý giải khác về hàng người bình tĩnh kia. Đó là niềm tin. Người dân Nhật Bản đã bình tĩnh vì họ tin rằng họ không bị bỏ rơi. Họ tin con cái họ ở trường sẽ được các thầy cô bảo vệ, niềm tin đó chắc chắn như việc con cái họ biết rằng phía sau ghế ngồi luôn có tấm đệm để che đầu khi động đất, và các giáo viên dẫn chúng vào nhà tập thể dục vì nơi đó an toàn. Họ tin, nếu người thân chưa thể về nhà thì cũng không thể bị đói, rét bởi các khu trại tị nạn đã nhanh chóng được dựng lên ở khu vực công cộng. Họ tin tưởng vì Chính quyền luôn cung cấp thông tin chi tiết về những nguy cơ có thể sẽ đến, cả những thông tin nhạy cảm về nhà máy điện hạt nhân có thể phát nổ.
Niềm tin được hình thành như thế nào? Chắc chắn sẽ không có một con đường chung dẫn đến niềm tin của tất cả mọi người. Song, sự thật là điều không thể thiếu để có được niềm tin. Đó cũng là lý do mà ưu tiên số 1 của chính quyền các thành phố ở Nhật Bản trong thời gian diễn ra động đất chính là cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân. Tại các studio của đài phát thanh và truyền hình luôn có tấm bảng thông báo động đất để phát thanh viên có thể ngừng chương trình và đọc nó bất cứ lúc nào để hướng dẫn dân chúng đến nơi an toàn. Thông tin cũng được gửi đến máy điện thoại cá nhân về mọi điều cần biết khi hoảng loạn. Và đó là những thông tin tuyệt đối chính xác, đủ để những tin đồn không còn đất sống trong tâm trạng xã hội. Và tin đồn chính là thứ xúc tác mạnh mẽ nhất cho sự hoảng loạn.
Hàng triệu người dân Nhật Bản đã được an toàn bởi chính sự bình tĩnh của họ, và sâu xa hơn, bởi những nỗ lực đảm bảo thông tin của chính quyền. Đây là một bài học cho bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Nếu người dân ở Mỹ Đức, Hà Tây 3 năm trước sớm có được những thông tin chính xác từ các cơ quan chức năng, họ sẽ không phải sợ hãi vì tin đồn có kẻ giết trẻ em lấy nội tạng để từ nỗi sợ hãi đó mà xúm vào đánh trọng thương 1 người lạ qua đường. Đó là những câu chuyện khác nhau về niềm tin. Một thứ giác quan kỳ lạ với giá trị kỳ lạ. Cùng là niềm tin, nhưng khi nó hình thành bởi sự thật, nó sẽ giúp người ta mạnh mẽ hơn, còn khi niềm tin được hình thành từ sự mù quáng, nó sẽ dẫn con người tới tự diệt vong./.
Việt Báo (Theo VOV)

Đăng nhận xét

 
Top