Hy sinh đời sống cá nhân vì con cái chưa chắc đã tốt
Tôi không cho rằng sự hy sinh nói chung là tốt. Sự hy sinh dung túng cho sự đàn áp, bóc lột và lợi dụng. Chị đã góp phần làm hư người chồng từng yêu thương chị bằng sự hy sinh vô điều kiện? Liệu sự hy sinh của chị có cần thiết cho con trai?
>> Có nên cho con tiếp xúc với người cha không tốt?
>> Ngăn cấm tình cảm cha con không làm trẻ nghe lời mẹ
Từ: Min Min
Đã gửi: 22 Tháng Hai 2012 7:02 CH
Gửi chị Hoài!
Tôi cũng ở vào hoàn cảnh như chị, nhưng có một số cách làm và cách đi của tôi hơi khác chị sau khi ly hôn. Tôi chia sẻ ở đây, chị có thể tham khảo, không nhất thiết phải theo nếu thấy không phù hợp lắm.
Tôi nghĩ việc chị tránh cho con gặp bố cháu cũng chưa chắc đã tránh được cho cháu các ảnh hưởng tiêu cực. Vì ngoài bố, cháu còn tiếp xúc với nhiều ảnh hưởng có thể tiêu cực khác trong cuộc sống. Để an toàn được cho cháu thì có thể chị tập trung vào việc dạy cho cháu tự lựa chọn và quyết định.
Chị có thể tập cho cháu tham gia vào các quyết định cùng chị hàng ngày. Ví dụ như không chỉ đơn giản bảo cháu ăn thứ mà cháu không thích, mà giải thích cho cháu vì sao phải ăn như vậy. Chị có thể tìm tài liệu cùng chia sẻ với cháu để cháu hiểu vì sao phải ăn như thế.
Con tôi cũng là một đứa trẻ bướng bỉnh. Thường thì khi tôi bảo cháu làm gì, tôi đều phải có giải thích vì sao, và giải thích rõ việc này là vì con. Cũng có thể vì vậy, mà tôi cũng thỉnh thoảng phải quát mắng cháu, nhưng cháu vẫn luôn hiểu vì sao mẹ lại làm thế.
Những lúc gặp phải vấn đề nghiêm trọng hơn một chút, tôi thường giành ít nhất một ngày để suy nghĩ xem sẽ nói với cháu thế nào. Sau đó tôi sẽ gọi cháu vào, vừa hỏi, vừa gợi mở, vừa phân tích, vừa cho cháu tham gia ý kiến của cháu, và cuối cùng 2 mẹ con có thỏa thuận chung. Nếu con tôi viết nhật ký như con chị, tôi cũng cho đó là một việc cần có một cuộc trao đổi giữa hai mẹ con.
Trong công việc hàng ngày, tôi nghiêm khắc, nhưng luôn có giải thích và trao đổi. Trong quá trình ấy, cháu có ý kiến riêng của cháu, nếu ý kiến của cháu có sức thuyết phục, tôi thường để cháu tham gia vào các quyết định liên quan đến cháu.
Có một số thứ chị có thể xem xét để cháu tham gia vào hơn một chút. Ví dụ như việc ngưng mua đồ chơi cho cháu từ hồi cháu học lớp 2, liệu có hơi cứng nhắc? Trẻ em học được nhiều trong quá trình chơi. Con tôi cũng đọc nhiều sách, nhưng tôi làm cho cháu thích đọc sách hơn là ép cháu.
Ngoài ra, tôi cố gắng quan sát xem cháu có một sở thích lành mạnh nào đó thì cho phép cháu phát triển sở thích đó. Liệu cháu nhà chị có hơi bị ngột ngạt quá trong cuộc sống khi ít được tham gia vào một sở thích lành mạnh nào đó ngoài việc liên tục học tập và lao động? Cái này chỉ tự chị mới hiểu được. Tôi chỉ hỏi vậy thôi.
Với chồng cũ, tôi chỉ làm mọi việc theo đúng quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa hai bên. Tôi cho phép anh tới thăm con và thông tin về chỗ ở của con khi có thay đổi, cho anh địa chỉ và số điện thoại để anh tự liên lạc. Nếu anh lỡ hẹn, tôi gọi điện nói chuyện cũng theo hướng phân tích rõ ràng rằng con bị ảnh hưởng tinh thần thế nào nếu anh lỡ hẹn. Và bắt anh cam kết hoặc là đúng hẹn hoặc là không được hẹn mà chỉ gọi cho tôi rồi tự đến.
Tôi không chủ động đưa con đến thăm anh, việc thăm con là việc của anh. Mọi việc cứ rõ ràng, mạch lạc theo pháp luật khi hôn nhân đã xong. Nếu cần chị có thể giải thích cả với con chị việc chị làm là thế nào và vì sao. Chị đã chiều anh nhiều trước khi hôn nhân thất bại. Giờ chị có nhất thiết phải làm thay nghĩa vụ của anh?
Với bản thân, tôi không cho rằng sự hy sinh đời sống cá nhân của mình là tốt cho con. Nói đúng hơn, tôi không cho rằng sự hy sinh nói chung là tốt. Sự hy sinh dung túng cho sự đàn áp, bóc lột và lợi dụng. Chị đã góp phần làm hư người chồng từng yêu thương chị bằng sự hy sinh vô điều kiện? Liệu sự hy sinh của chị có cần thiết cho con trai?
Chị không sợ mất con, nhưng có thể đến một lúc nào đó chị sẽ không nhận ra là tất cả tình cảm và lẽ sống nằm ở nơi con. Lúc ấy, con chị chưa chắc đã cảm thấy hạnh phúc, yên tâm, mà có khi còn thấy ngột ngạt. Và sự lựa chọn các bước đi trong đời của cháu khi lớn lên lúc nào cũng sẽ vướng “mẹ mình đang cô đơn một mình”.
Tôi nói hoàn cảnh của tôi khá giống chị. Tôi đã chiều chồng hết mực, nhưng sau ly hôn, tôi giành nhiều thời gian tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của sự đổ vỡ đó. Đành rằng các ông chồng ấy vô trách nhiệm và đáng ly hôn, nhưng liệu có một phần nguyên nhân là mình đã hy sinh, đã làm hết phần của người khác trong hôn nhân, mà lẽ ra cả 2 bên đều phải góp phần?
Giờ với con chị, chị đừng làm hết phần của cháu. Hãy thử cho cháu tham gia vào các quyết định, đặc biệt là các quyết định hàng ngày của chính cháu cùng với chị. Chúc chị vui, khỏe, hạnh phúc và con chị trưởng thành.
Home
»
»Unlabelled
» Hy sinh đời sống cá nhân vì con cái chưa chắc đã tốt
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Đăng nhận xét