Anh Hoàng Anh Tú, Chánh Văn của HHT, có 'phong cách' nuôi dạy con rất đáng học hỏi.

Gia đình hạnh phúc của anh Hoàng Anh Tú (Ảnh do nhân vật cung cấp)



Là một người bận rộn với công việc nhưng nhà báo Hoàng Anh Tú luôn biết cách dành thời gian cho gia đình và chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con với vợ.
Khi nhắc tới nhà báo Hoàng Anh Tú có thể nhiều người không biết, nhưng nếu nói đó chính là anh Chánh Văn chuyên giải đáp khúc mắc của lứa tuổi ô mai bằng những câu trả lời dí dỏm và không kém phần sâu sắc trên báo Hoa Học Trò, ắt hẳn nhiều người sẽ à lên “Thì ra là anh ấy”. Không chỉ tạo dấu ấn riêng trong sự nghiệp, ở vai trò làm cha, nhà báo Hoàng Anh Tú cũng có “phong cách riêng” của mình.

- Chào anh Chánh Văn! Anh có thể chia sẻ đôi điều về gia đình nhỏ và mấy nhóc tì của mình không? Tôi có 3 đứa con, con trai lớn 7 tuổi, con gái thứ 2 được 6 tuổi và cô con út được 22 tháng tuổi.
 - Là nhà báo, hẳn công việc của anh khá bận rộn. Vậy anh đã lên lịch thế nào để vừa đảm bảm công việc, vừa dành thời gian cho con?
Cách đơn giản nhất đó là về nhà thì tắt máy điện thoại. Nếu các bậc cha mẹ khi về đến nhà đều rời bỏ khỏi chiếc điện thoại của mình thì tôi tin rằng con cái của họ đều rất hạnh phúc

- Theo anh, khi nuôi dạy con, quan trọng nhất là điều gì? Tôi nghĩ rằng nuôi dạy con điều quan trọng nhất đó là ngồi đối diện được với con. Để con có thể nhìn thẳng vào cha mẹ và bản thân cha mẹ cũng có thể nhìn thẳng vào con. Nói thế có nghĩa là tôi luôn hướng tới sự đối thoại với con cái. Đối thoại càng nhiều thì con sẽ càng ít muốn đối phó, làm trái ý cha mẹ.

- Các bé nhà anh có khi nào ương bướng hoặc cãi lời cha mẹ không? Có thể một phần do tính cách của các cháu và một phần khác là do các cháu nhận thức được việc ương bướng với cha mẹ là không có kết quả tốt cho nên các cháu không bao giờ ương bướng. Còn cãi thì… tôi không gọi đó là cãi. Đó là đối thoại. Đó là đặt ngược lại câu hỏi với bố mẹ. Tôi tôn trọng và khuyến khích các con của mình đặt câu hỏi trở lại với bố mẹ. Tại sao con phải làm thế? Con có thể từ chối điều con không muốn được không? Bố mẹ còn cách nào khác không? Và tất nhiên, nếu tôi không thể giải thích hoặc thuyết phục được tụi trẻ, tôi sẽ phải chấp nhận phương án mà tụi trẻ đưa ra.

- Anh đã bao giờ phải dùng đến đòn roi với con chưa? Rồi! Với cậu cả thì lần gần nhất cách đây 3 năm khi cu cậu 4 tuổi. Cô thứ 2 thì cách đây cũng 3 năm. Còn cô út thì chưa. Cả 2 đứa lớn bị ăn roi vì những lỗi nghiêm trọng. Nhưng tôi không bao giờ đánh con khi giận dữ. Bởi đòn roi với tôi và với các cháu chỉ là hình phạt chứ không phải trút giận. Tôi luôn tạo ra một “nghi thức” ăn roi với chúng. Tức là luôn cho chúng thấy chúng đã sai ở đâu? Lỗi sai đó đã bị trừng phạt mấy lần rồi và đến lần này là bị ăn roi đúng không? Và chỉ 1 cái. Đủ đau. Đủ để nhớ. Sau đó, 3 năm trở lại đây, cả 2 đứa đều không bao giờ để sai phạm trở nên nghiêm trọng đến mức bị roi. Luôn chỉ dừng lại ở câu nhắc nhở hoặc nhiều nhất là cảnh cáo.

- Anh có ý định hướng các con theo nghề nghiệp của mình không? Tôi không có ý định hướng con theo nghề nghiệp nào hết. Tôi muốn các con sẽ tự tìm ra hướng đi nên theo của mình. Năm các cháu lớp 8, 9, 10 tôi sẽ cho các cháu tham gia những công việc partime để các cháu tìm ra trường Đại Học mà các cháu muốn theo học nhất.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nguồn: Yahoo.com

Đăng nhận xét

 
Top