Để mở màn câu chuyện về cờ Vây, chúng ta buộc lòng phải lùi lại thời gian vô cùng xa xưa. Ấy là vào thời Ngũ Đế với 5 triều đại khởi thủy của Trung Hoa cổ đại, kéo dài từ thế kỷ 26 đến 22 TCN. Tức là cách đây từ 4600 cho tới 4200 năm. Mở đầu cho thời Ngũ Đế là Hoàng Đế rồi đến Chuyên Húc, Cốc Đế và kết thúc là vua Nghiêu và vua Thuấn.
            Câu chuyện bắt đầu vào thời vua Nghiêu, một vị vua hin minh. Để tr đất nước bình yên, thịnh vượng, năm nào vua cũng tuần du các địa phương. Năm ấy, vua đi qua vùng Hiên Viên Sơn (thuộc tỉnh An Huy ngày nay) thì đã xế chiều, vua mệt mỏi ngồi nghỉ rồi thiếp đi lúc nào không biết. Một giấc mơ lạ chợt đến : vua thấy Hoàng Đế đang cùng vị tiên Dung Thành đánh cờ với nhau. Vua Nghiêu không biết trò chơi gì, bèn hỏi. Hoàng Đế kể lại : năm xưa Hoàng Đế giao chiến với Xuy Vưu (một thủ lĩnh bộ lạc thời đó), Hoàng Đế bèn nghĩ mẹo lấy các viên đá đen và trắng chia thành quân sĩ của hai bên, bày binh bố trận cho chiến đấu, vây bọc, giành đất, bắt quân của nhau. Từ bàn cờ Hoàng Đế đem ra áp dụng vào việc điều binh khiển tướng trên chiến trường. Kết quả đánh bại được Xuy Vưu. Từ đó ngài hay cùng các bậc thần tiên đem cờ này ra chơi…
            Nghe vậy vua Nghiêu bèn thỉnh cầu Hoàng Đế dạy cho mình phép đánh cờ. Hoàng Đế liền chỉ bảo cho. Đang lúc chơi rất hứng thú thì chợt tỉnh giấc… mới hay rằng đó chỉ là chiêm bao. Vua ngẫm thấy hay quá, bèn tìm cách nhớ lại, từ đó bổ khuyết các quy tắc, luật lệ, rốt cuộc đã sáng tạo ra một môn cờ đặt tên là Vi Kỳ (cờ vây), vì mục đích chủ yếu của nó là vây chiếm lãnh thổ, đất đai.
            Bấy giờ trong số các con vua Nghiêu có thái tử Đan Chu. Đan Chu đĩnh ngộ thông minh nhưng từ nhỏ quen sung sướng nên chỉ mãi rong chơi, không để ý tới việc học hành, rèn luyện bãn lĩnh. Sau khi nghĩ ra được Vi Kỳ, vua hi vọng dùng cờ để con mình tu chí học hành, bèn đích thân truyền dạy cho con. Đan Chu lĩnh hội rất mau chóng, chỉ ít lâu sau đánh thắng cả vua, khiến vua Nghiêu mừng rỡ vô cùng.
            Khi đã cao niên, vua Nghiêu truyền ngôi lại cho Thuấn, là người không cùng huyết thống với mình nhưng tài đức vẹn toàn, có bản lĩnh trị quốc, chứ không truyền ngôi lại cho con. Còn Đan Chu sang đất Yến ở, lập ra thành Yến Chu (thuộc huyện Quyên Thành, tỉnh Sơn Tây ngày nay). Được ở riêng một cõi, không phải bận tâm vào việc triều chính, lại giao hảo với tao nhân mặc khách bốn phương, Đan Chu tha hồ đánh cờ, có công lớn truyền bá Vi Kỳ ra khắp thiên hạ.
            Như thế theo truyền thuyết và khảo cứu của các nhà văn hóa thì cờ Vây là loại cờ cổ nhất thế giới. Nó ra đời và được chơi cách đây tới hơn 4000 năm. Chuyện này cũng cho thấy, cờ là một thú chơi cao quý, nó tránh cho con người lao vào những cuộc chiến tranh đẫm máu xưa nay. Nếu Đan Chu đem lòng oán hận vua cha đã truyền ngôi báu cho Thuấn mà dấy binh thì trăm họ còn lầm than khốn khổ đến đâu. Rốt cuộc thì tên tuổi của Nghiêu, Thuấn còn sáng tới vạn đời mà Đan Chu cũng để được tiếng thơm muôn thuở. Khởi thủy môn cờ là một câu chuyện đẹp đẽ, trong sáng và cao thượng biết bao.
            Lý do đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khiến cờ Vây có sức sống phi thường như thế là do luật chơi của cờ Vây cực kỳ đơn giản, đơn giản đến mức không ngờ. Nếu
muốn chơi và thi đấu cờ Tướng bài bản bạn phải đọc quyển luật cờ Tướng dày cỡ hơn 50 trang, đối với cờ Vua cũng tương tự. Nhưng nếu bạn muốn chơi và thi đấu cờ Vây thì hầu như bạn chẳng cần một quyển luật cờ Vây nào cả. Nói cách khác, nếu viết ra thì luật cờ Vây chỉ chiếm chưa đầy nửa trang giấy, nó chỉ gồm 9 dòng. Luật cờ Vây thật sự chỉ có 4 điều cần giải thích mà thôi. Bạn muốn biết chơi cờ Vây ư, bạn chỉ cần độ 15 phút để nghe giải thích và minh họa là đủ. Chính vì luật chơi quá là đơn giản nên cờ Vây được truyền bá cực kỳ mau chóng, nó đến với những người bình thường nhất, những người không cần đến một trí thông minh ưu việt nào. Người chơi cờ Vây không phải ghi nhớ vào đầu một quy tắc nào rắc rối cả. Nếu cờ Vua có nào là quy tắc nhảy 1 nhảy 2 bước của Tốt, nào là bắt Tốt qua đường, nào phong cấp, nào là nước nhập thành, muốn nhập thành thì phải nhớ một loạt điều kiện rất là rắc rối…, cờ Tướng cũng có một số quy tắc như mã bị cản, không được lộ mặt Tướng, Tốt không được đi lùi, qua sông mới được đi ngang… Cờ Vua và Tướng thì phải học hình dáng và nước đi của từng quân, trong cờ Tướng thì còn phải học mặt quân của hai màu quân khác nhau thật là rắc rối. Còn trong cờ Vây quân nào cũng như quân nào, giá trị y hệt nhau, nước đi y hệt nhau, không một quân nào có tên tuổi, không có vua, có tướng. Vua hay Tướng trong cờ Vây chính là người chơi cờ vậy. Hình như trong vạn vật trên đời này, những cái đơn giản như nước, không khí, cái mà làm người ta ít chú ý nhất lại là những cái tồn tại lâu nhất…
            Nhưng không lẽ ngoài cờ Vây ra, trong suốt 3000 năm sau đó không thêm loại cờ nào nữa hay sao?. Dứt khoát là phải có, vì đó là nhu cầu giải trí không thể thiếu được của loài người. Nhưng vì sao cho tới nay người ta vẫn chưa tìm được tung tích của một loại cờ nào khác.
            Các nhà lịch sử trả lời : đã từng có rất nhiều loại cờ khác, nhiều trò chơi trí tuệ khác, nhưng vì chúng chưa hấp dần và lý thú như cờ Vây, hoặc chưa hoàn chỉnh… không thỏa mãn được người chơi nên dần chúng bị chìm vào quên lãng, thậm chí không để lại một dấu vết nào. Thời gian sàng lọc rất khắc nghiệt.
            Cờ Vây như đã nói, muốn biết chơi thì quá dễ bất cứ ai cũng chơi được, nhưng chơi để tới được “cao cờ” thì lại vô cùng khó.
            Chẳng thế mà trong cờ Vây việc phân hạng bậc người chơi là rất rộng. Từ người võ vẽ cầm quân cho tới người chơi trung bình được chia ra 35 cấp (35 kyu theo tiếng Nhật), trong lúc cờ Vua, Tướng chỉ có 3 cấp (3,2,1), còn từ loại cao cờ tới bậc đại sư được chia ra 9 đẳng (9 dan). Những người từ 6 dan được gọi là đẳng 1 của cờ Vây chuyên nghiệp, trong chuyên nghiệp có cả thảy 9 đẳng (trong cờ Vua chỉ có 2 là kiện tướng và đại kiện tướng). Như vậy nếu tính tổng cộng thì trong cờ Vây có 49 bậc kể từ thấp tới cao. Nói như thế các bạn thấy chơi cờ Vây từ trung bình, hay, giỏi, cao siêu (có những cao thủ tính trước được tới vài ba chục nước) là con đường thênh thang cho sự sáng tạo, sự thâm sâu, sự uyên bác của trí tuệ con người. Ở các kỳ thủ chơi ở dạng chuyên nghiệp thì mỗi ván cờ có thể kéo dài tới hơn 12 tiếng đồng hồ, trong khi đó người chơi bình thường có thể chỉ 15, 20 phút một ván cờ cũng đã thấy hứng thú, sảng khoái lắm rồi !
            Vì sao luật lệ đơn giản mà biến hoá lại phi thường đến như thế ? Đó chính là cái diệu ảo thần kỳ của cờ Vây, cũng như nước, hình lắm dạng : khi rắn, khi lỏng, khi hóa hơi, kết hợp với hàng trăm chất tạo ra hàng nghìn hàng vạn hợp chất, rồi các hợp chất này lại kết hợp và vô cùng, vô tận…
            Quân cờ và bàn cờ Vây được sáng tạo ra trên cơ sở của thuyết âm dương và vũ trụ quan của người xưa : quân cờ tròn, nhỏ và dẹt như cúc áo được chia làm 2 màu với số lượng bằng nhau (181 quân đen và 180 quân trắng) tượng trưng cho âm và dương. Bàn cờ có 19 đường kẻ dọc và 19 đường kẻ ngang tạo thành 361 giao điểm dùng để đặt quân tượng trưng cho năm âm lịch gồm 361 ngày. 4 góc bàn cờ tượng trưng cho 4 mùa…
            Trong cờ Vây có tới 361 quân (trong khi cờ Tướng và Vua chỉ có 32 quân) trùng trùng điệp điệp vây nhau, liên kết với nhau. Muốn bắt được một đám quân đối phương đâu có dễ : dù anh vây kín xung quanh không còn kẽ hở, ấy vậy mà đối phương vẫn còn lắm mưu lược để sống sót tới cuối ván cờ một cách ngoan cường bằng cách tạo “mắt” khiến mục tiêu chiếm được vùng đất ấy bị tiêu tan. Lại có đám quân bị đối phương đuổi cho chạy dài, tưởng tất cả đã bị dồn hết lối thoát, ấy thế mà chỉ cần đặt được một “chú lính mai phục” đúng chỗ là sẽ giải thoát cho tất cả. Lại có cảnh một bên chiếm được một vùng đất mênh mông, tưởng thắng lợi tới nơi thì đối phương đột nhiên nhảy dù vào bên trong để “xây căn cứ” rồi từ trong nống ra, từ ngoài thọc vào tạo “trận đồ bát quái”, giao tranh dữ dội, đoạt lại cả một vùng đất lớn, khiến đối thủ bủn rủn chân tay… Thật không còn gì hay hơn những đòn đánh tuyệt vời, những nước đi thông minh, xuất thần đầy biến hoá như thế. Cả một bàn cờ rộng lớn với bao nhiêu là đám quân, vùng đất, khiến người chơi có vô số cơ hội trên một bàn cờ, như một vị Tổng tư lệnh điều binh khiển tướng trên nhiều mặt trận, hỏi làm sao mà không thỏa thích, cao hứng cho được ?
            Cờ Vây nổi tiếng tới mức trong một loạt phim cổ sử của Trung Quốc, ta thấy Tần Thủy Hoàng đêm ngày luyện cờ Vây nhằm mở rộng đất đai lãnh thổ, chinh phục, thống nhất thiên hạ, ta thấy Khổng Minh đánh cờ Vây để tạo ra những trận nổi tiếng như Xích Bích, Hoa Dung, ta thấy Càn Long lấy cờ Vây để thể hiện trí dũng của mình, còn Tể Tướng Lưng Gù chơi những ván cờ Vây tuyệt diệu và cơ trí đã lấy được vợ đẹp và nhiều lần mưu trí hạ bệ Hòa Thân gian xảo?... Xưa kia, trong triều đình Trung Hoa, ai không biết chơi cờ Vây thì vẫn bị coi là “kẻ vẫn còn khiếm khuyết”.
            Cho tới ngày nay, dù đã hơn 4000 tuổi nhưng cờ Vây không những bị lão hóa, bị mai một mà ngày càng tràn trề sức sống, 68 quốc gia trên thế giới ở khắp các châu lục đã cùng nhau lập ra Hiệp hội cờ Vây quốc tế (trong đó có Việt Nam được kết nạp năm 1998) thu hút hàng triệu người hâm mộ. Hiện tại, cờ Vây đang ở vào thời đại Hoàng Kim. Người Trung Hoa sau gần 100 năm quên lãng sản phẩm chính hiệu của mình do mải chạy theo cờ Tướng, nay đang ra sức phục hồi. Nhật Bản đã vươn lên hàng đầu trong thế giới cờ Vây và họ giữ ngôi quán quân cờ Vây trong rất nhiều năm.
            Nếu như cờ Tướng và cờ Vua đều có một mục tiêu duy nhất là tiêu diệt quân Tướng hay Vua thì chỉ cần diệt được quân đó thôi thì tất cả còn lại sẽ sụp đổ hoàn toàn. Cờ Tướng và cờ Vua nhắm vào một quân duy nhất nên hai loại cờ mang tính chiến tranh, tính hủy diệt rất cao. Tất cả các quân hai bên đều tìm cách ăn quân càng nhiều càng tốt mà không hề để ý gì tới lãnh thổ đất đai. Sự đối kháng trên bàn cờ Tướng, Vua là một mất một còn, không hề có sự khoan nhượng. Cờ Vây thì hoàn toàn khác.
Cờ Vây có mục tiêu tối thượng và duy nhất là chiếm được “đất” càng rộng càng tốt. Bắt quân cũng rất cần nhưng luôn là chuyện thứ yếu. Nếu so với cờ Tướng, Vua chỉ có 32 quân và 64 ô để hoạt động thì người chơi cờ Vây phải có sự tính toán cực kỳ sâu xa mới có thể điều khiển 361 quân trên một diện tích rộng gấp 5 lần. Điều đó giải thích vì sao người chơi cờ Vây phải tính trước rất nhiều nước không chỉ cho một đám quân mà cả cho chục đám quân xen kẻ rất phức tạp trên bàn cờ. Óc tưởng tượng trong cờ Vây là rất lớn.
            Tuy thế trong suốt chiều dài lịch sử, cờ Vây cũng trải qua không ít thăng trầm. Trong một thời gian dài, khoảng một thế kỷ cờ Vây hầu như bị quên lãng do những cuộc chiến tranh liên miên của các nước châu Á, do không tổ chức các cuộc thi đấu, khiến cho tình trạng chơi cờ trong dân gian rất tản mạn, bị co hẹp. Đến thời kỳ yên bình, cờ Vây mới được khôi phục. Nhưng khi đó các môn cờ khác cũng trỗi dậy và cờ Vây lại bị sự lấn át của môn cờ Tướng và sau đó cũng mạnh không kém của môn cờ Vua. Trung tâm cờ Vây không còn nằm ở Trung Quốc mà chuyển sang các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc…
            Do được sự nhận xét sáng dạ của kỳ sư cờ Vây Nhật Bản, liên đoàn Cờ Việt Nam chủ trương phát triển mạnh môn cờ Vây, tạo ưu thế cho thể thao nước nhà, tìm kiếm nhân tài, lập các đội tuyển cờ Vây Việt Nam. Liên đoàn cờ cũng cho xuất bản sách, Tạp chí, chương trình cờ, cung cấp quân cờ, bàn cờ cho các bạn chơi cờ trong cả nước nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào chơi cờ Vây, một trong những môn thể thao trí tuệ vốn là thế mạnh của thể thao nước ta.
                                                                        Theo tài liệu của Tạp chí Người chơi cờ
                                                                        Được Thái Hòa lược bỏ và sửa chữa

Đăng nhận xét

 
Top